CHKQT LONG THÀNH TÂM ĐIỂM GIAO THÔNG VÙNG KINH TẾ NAM BỘ

0
816
Hành khách làm thủ tục tại CHKQT TÂN SƠN NHẤT

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được kỳ vọng sớm hoàn thành và đưa vào khai thác để chia sẻ áp lực giao thông cho Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất, nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa cho khu vực Nam bộ.

Theo các nhà khoa học, tắc nghẽn giao thông, trong đó có giao thông hàng không, đang gây thiệt hại rất lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt mất đi nhiều cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp cũng như thu hút đầu tư từ nước ngoài.

*Có thể quá tải sớm

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua, công tác dự báo tăng trưởng của ngành hàng không chưa sát với thực tế.

Năm 2018, hàng không Việt Nam vận chuyển hơn 71 triệu lượt hành khách, trong đó 38 triệu lượt hành khách đi qua CHKQT Tân Sơn Nhất, chiếm 53% tổng lượng hành khách. Lượng khách quốc tế đến khu vực Nam bộ chiếm 51% so với cả nước, trong số này có 98% thông qua CHKQT Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, năm 2013, ngành hàng không dự báo đến năm 2017, CHKQT Tân Sơn Nhất sẽ đón khoảng 22 triệu lượt hành khách, nhưng thực tế lượng khách qua cảng hàng không này đã lên đến hơn 36 triệu lượt hành khách, cao hơn 59% so với dự báo

Năm 2018, CHKQT Tân Sơn Nhất tăng thêm hơn 2 triệu lượt hành khách (38 triệu), dự kiến vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 45 triệu khách.

TS.Dương Như  Hùng, đại diện nhóm chuyên gia Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh thực hiện nghiên cứu, khảo sát về vấn đề nhận diện thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với hạ tầng giao thông khu vực Nam bộ nói: “CHKQT Tân Sơn Nhất tắc nghẽn cả bên trong lẫn bên ngoài CHKQT, kẹt từ trên trời đến dưới mặt đất, việc này ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế”.

TS.Hùng cho biết thêm, theo tính toán và dự báo của nhóm nghiên cứu thì ngay cả CHKQT Long Thành cũng sẽ quá tải trước năm 2030 so với thiết kế giai đoạn 1. Cụ thể, theo thiết kế giai đoạn 1 (đưa vào khai thác năm 2025) của CHKQT Long Thành thì sẽ xây dựng một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong khi đó, theo tính toán thì cảng hàng không này sẽ đạt công suất 30 triệu hành khách vào năm 2027 và đến năm 2030 công suất đạt khoảng 50 triệu lượt hành khách. Theo các chuyên gia, Bộ Giao thông – vận tải cần tính toán phương án mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất và triển khai ngay giai đoạn tiếp theo của CHKQT Long Thành sau khi CHKQT này đi vào khai thác năm 2025.

Một máy bay đang bị kẹt tại đường băng tại sân bay Tân Sơn Nhất chờ đến lượt cất cánh

PGS-TS.Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường đại học bách khoa TP.Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian qua chỉ tập trung khai thác CHKQT Tân Sơn Nhất đến mức quá tải và tiếp tục quá tải từ nay đến đến năm 2025 khi CHKQT Long Thành đi vào hoạt động. Đây cũng là vấn đề cần rút kinh nghiệm cho đầu tư sau này.

Theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển giao thông – vận tải, khu vực Đông Nam bộ hiện nay chỉ có 2 CHKQT dân dụng là Tân Sơn Nhất và Côn Đảo. Riêng CHKQT Tân Sơn Nhất đã quá tải, vì thế cần đảm bảo tiến độ xây dựng CHKQT Long Thành để giảm tải cho Tân Sơn Nhất. Sự quá tải của cảng hàng không đang là “điểm nghẽn” của giao thương và du lịch trong và ngoài nước. Khi CHKQT Long Thành đi vào hoạt động sẽ phân bổ lại hợp lý lượng hành khách của khu vực phía Nam.

* Sớm đầu tư đường kết nối vùng

CHKQT Long Thành được xây dựng đạt cấp 4F (mức cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), là dự án quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không của khu vực, với quy mô công suất sau khi được hoàn thành toàn bộ 3 giai đoạn là 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm

Nghiên cứu của Viện Chiến lược và phát triển Giao thông – vận tải chỉ ra rằng, việc kết nối giao thông từ CHKQT Long Thành với các vùng trong khu vực Nam bộ là rất cần thiết, bởi đây là cửa ngõ giao thương quốc tế sẽ có tác động đến phát triển kinh tế cả khu vực Nam bộ sau này. Nhiều tuyến đường được Viện Chiến lược và phát triển giao thông – vận tải đề xuất cần sớm đầu tư để kịp đưa vào sử dụng cùng với thời điểm CHKQT Long Thành đi vào khai thác.

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển giao thông – vận tải chia sẻ: “Đường vành đai 4 hiện nay chưa được đầu tư, chúng tôi cũng kiến nghị trong thời gian tới, cần thiết đầu tư tuyến đường này đoạn từ CHKQT Long Thành đến TX.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để khai thác tốt hơn cho CHKQT Long Thành. Đường vành đai 4 được xem là đường liên kết vùng khi kết nối đường cao tốc Bến Lức – Long Thành”.

Ngoài ra, các tuyến đường khác cũng được Viện Chiến lược và phát triển giao thông – vận tải đề xuất cần đầu tư xong trước năm 2025 như: đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây mở rộng quy mô lên 10 làn xe; hoàn thành đầu tư tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây; cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đầu tư trước đoạn Biên Hòa – Phú Mỹ.

Cảng hành không quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải, dự án CHKQT LONG THÀNH sắp tới sẽ giải quyết vấn đề quá tải và thúc đẩy kinh tế Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung

Phó giám đốc Sở Giao thông – vận tải Đồng Nai Từ Nam Thành cho biết, tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, cần phát triển hơn nữa mối liên kết vùng giữa các tỉnh thành trong khu vực. Theo đó, Đồng Nai chú trọng phát triển hạ tầng kết nối nhằm phục vụ cho đầu tư xây dựng và vận hành CHKQT Long Thành trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Giao thông – vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay, điều quan trọng trong việc kết nối các khu vực với CHKQT Long Thành phải bằng nhiều hệ thống giao thông khác nhau, đặc biệt là tuyến kết nối giữa CHKQT Long Thành và CHKQT Tân Sơn Nhất. “Bộ Giao thông – vận tải đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu tuyến nối từ CHKQT Long Thành đến CHKQT Tân Sơn Nhất, 2 cảng hàng không này phải được kết nối với nhau thuận tiện” – Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

NGUỒN: (Theo Khắc Giới Báo Đồng Nai )

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here