Bộ Giao thông chia dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương thành ba phần với tổng vốn khoảng 65.000 tỷ đồng, phần đầu dài 60 km thuộc Đồng Nai.
Ngày 22/8, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời về việc triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương.
Theo đó, dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương có tổng chiều dài 200 km, dự kiến cần nguồn vốn lớn. Nếu đầu tư đầy đủ tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn thì tổng chi phí dự kiến cần 65.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải tỏa mặt bằng).
Bộ Giao thông chia dự án thành 3 phần, dự kiến hoàn thành các đoạn thiết yếu trước năm 2020. Trong đó, phần thứ nhất, đoạn Dầu Giây – Tân Phú, qua tỉnh Đồng Nai, dài khoảng 60 km, mặt đường rộng 17 m. Phần này được đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức BOT.
Hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến được phê duyệt vào đầu quý 3 năm 2018. Sau đó, cơ quan chức năng sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và bắt đầu thực hiện vào đầu 2019.
Phần thứ hai, đoạn Tân Phú – Bảo Lộc, nằm ở hai tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng với chiều dài khoảng 66 km, mặt đường rộng 17 m, vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng.
Với đoạn đường này, Bộ Giao thông không kêu gọi đầu tư BOT mà đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư huy động vốn vay từ cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).
Phần cuối, đoạn Bảo Lộc – Liên Khương nằm ở tỉnh Lâm Đồng, dài 73 km, mặt đường rộng 17 m, vốn đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo hình thức BOT, Nhà nước cần hỗ trợ ngân sách trên 3.000 tỷ đồng mới đảm bảo khả năng hoàn vốn.
Hiện, hồ sơ đề xuất dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa thể phê duyệt do chưa cân đối được nguồn vốn. Do đó, Bộ Giao thông sẽ tiếp tục phối hợp UBND tỉnh Lâm Đồng làm việc với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch phù hợp và cân đối nguồn vốn làm cơ sở triển khai.
Đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương thuộc quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020. Tuyến đường được xây dựng nhằm kết nối Lâm Đồng với TP HCM, Đồng Nai, các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời thay thế Quốc lộ 20 đang bị quá tải với hơn 15.000 lượt xe mỗi ngày.
Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng đánh giá, đây là dự án giao thông đặc biệt quan trọng với tỉnh, kỳ vọng tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phát triển kinh tế, du lịch.
( NGUỒN: báo vnexpress.net )