Huyện Long Thành “tăng tốc đột phá” khi tiếp tục được đầu tư, nâng cấp hàng loạt dự án giao thông quan trọng.

0
2400

     Huyện Long Thành hiện nay có 14 xã và thị trấn Long Thành, là địa bàn nằm trong vùng chiến lược quan trọng trong đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đồng Nai; được quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia  có quy mô  lớn như: đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành- Dầu Giây; đường cao tốc, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu; đường cao tốc Bến Lức- Long Thành; tuyến vành đai của thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đã và đang thu hút rất nhiều các nhà đầu tư trong và ngoài nước với hàng loạt nhu cầu đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp và dịch vụ…

      Song song với định hướng thành lập thị xã Long Thành trong tương lai, phạm vi quy hoạch của thị trấn Long Thành đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại Quyết định số 3264/QĐ-UBND ngày 07/10/2016  về Quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Toàn bộ địa giới thị trấn Long Thành hiện nay gồm thị trấn Long Thành, một phần các xã Long An, Lộc An, Long Đức, An Phước có tổng diện tích là 1.573 ha sẽ cơ bản nằm trong vùng phát triển đô thị hóa tập trung và trở thành các phường của thị xã Long Thành tương lai.

     Ngày 25-7-2019, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 448/QĐ-BXD công nhận Khu vực thị trấn Long Thành mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV, huyện Long Thành tổ chức lễ công bố thị trấn Long Thành đạt đô thị loại IV. Thị trấn Long Thành hiện hữu có diện tích hơn 928 hécta và sẽ mở rộng lên gần 1.743 hécta. Đây sẽ là tiền đề để huyện tiếp tục “tăng tốc” trong phát triển kinh tế – xã hội để trở thành một trong những khu đô thị lớn của tỉnh và của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

     Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có vị trí cửa ngõ phía Đông vô cùng quan trọng của TP.HCM đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và ngược lại. Nơi đây có hệ thống giao thông thuận tiện kết nối với các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Sự xuất hiện của nhiều dự án bất động sản lớn tại đây, thu hút nhiều khách hàng và quan tâm đến bản đồ quy hoạch từng khu vực của huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai.

     Việc đầu tư, nâng cấp hàng loạt dự án giao thông của huyện Long Thành sẽ như thế nào trong năm 2030 và đến năm 2050 tầm nhìn sẽ được nhìn nhận như thế nào ? Tiềm năng khu vực này ra sao?

     Bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ thông tin về hàng loạt dự án giao thông quan trọng được đầu tư, nâng cấp của huyện Long Thành. Từ đó tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế của huyện để cung cấp mọi thông tin giải đáp thắc mắc này cho bạn ngay. Hi vọng khi tham khảo những thông tin này sẽ mang lại những kiến thức cần thiết và hữu ích tới Quý khách!

Một góc thị trấn Long Thành

1. Long Thành – Đầu mối giao thông quan trọng của vùng và cả nước.

Với lợi thế tập trung nhiều dự án giao thông lớn của quốc gia, như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu, Bến Lức – Nhơn Trạch – Long Thành; đường sắt TP.Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Long Thành – Vũng Tàu; Quốc lộ 51… huyện Long Thành được xem như đầu mối giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, thị trấn Long Thành là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của huyện nên được công nhận là đô thị loại IV, cộng với những lợi thế trên sẽ mở ra nhiều cơ hội để kinh tế của địa phương tăng trưởng nhanh.

Ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Long Thành cho biết: “Thị trấn đã đạt và vượt các tiêu chí về đô thị loại IV, khi được công nhận chính thức, sẽ giúp thị trấn nhận được thêm nhiều đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, huyện để phát triển. Người dân trên địa bàn thị trấn cũng rất trông đợi trong tương lai, hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều hơn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế”.

Hiện thu nhập bình quân đầu người của thị trấn Long Thành là 65 triệu đồng/người/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng kinh tế 3 năm trở lại đây đều đạt gần 16%/năm; thu ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch và có thể cân đối thu chi ngân sách.

Trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 thị trấn Long Thành, giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đô thị Long Thành sẽ là khu vực trung tâm phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ của tỉnh. Đồng thời, đô thị Long Thành là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, trung tâm công nghiệp công nghệ cao. Đây cũng là đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Bộ Xây dựng, thị trấn Long Thành là một trong số ít đô thị trên cả nước xin nâng hạng đã có nhiều tiêu chí vượt và đạt.
Bà Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Long Thành cho hay: “Tôi và nhiều người dân ở thị trấn mong muốn tới đây tỉnh, huyện sẽ ưu tiên đầu tư nhiều công trình giúp phát triển thương mại, dịch vụ tạo ra nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn”.

Thị trấn Long Thành đạt tiêu chí đô thị loại IV phù hợp với định hướng quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch chung thị trấn, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội huyện và là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn, huyện. Đồng thời là cơ sở để tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chí cao hơn, nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị và phát triển kinh tế – xã hội tương xứng với vị thế là là đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện.

2. Long Thành phấn đấu lên thị xã.

Do nhu cầu phát triển, khu vực thị trấn Long Thành sẽ mở rộng, tăng diện tích lên gấp gần 2 lần, dân số hơn 52 ngàn người. Trong đó, bao gồm thị trấn hiện hữu và một phần của 4 xã lân cận. Cụ thể, xã An Phước khoảng 442 hécta, Long Đức 216 hécta, Lộc An hơn 70 hécta, Long An khoảng 86 hécta. Sau khi thị trấn được mở rộng sẽ tiếp tục nâng cao các tiêu chí để trở thành đô thị loại III vào giai đoạn 2020 -2030.

Thị trấn Long Thành mở rộng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện, tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì ở gần trung tâm lớn của cả nước là TP.Hồ Chí Minh, các cảng biển, cùng với những tuyến giao thông huyết mạch của vùng, quốc gia sẽ tạo cho Long Thành lợi thế về mở rộng giao lưu, thu hút đầu tư, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường liên kết với các khu vực khác trong vùng, các huyện khác trong tỉnh.

Ông Trần Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước cho biết: “Tới đây, 442 hécta thuộc xã An Phước sẽ nằm trong khu vực thị trấn mở rộng. Hiện diện tích của xã rất lớn khoảng 3.400 hécta, dân số trên 30 ngàn người nên điều chỉnh về thị trấn sẽ không ảnh hưởng gì đến phát triển của xã”. Cũng theo ông Tiếp, người dân được chuyển về thị trấn sẽ rất vui vì đất đai có giá, đời sống vật chất, tinh thần cũng tốt hơn.

Mục tiêu của huyện Long Thành là sẽ trở thành thị xã trong 2-3 năm tới, mà tiền đề là đạt đô thị loại IV và mở rộng thị trấn để góp phần phát triển thành thị xã. Hiện huyện đã thuê đơn tư vấn đánh giá các tiêu chí trở thành thị xã để có kế hoạch hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho biết: “Hiện nay, Long Thành đã có một số tiêu chí đạt tiêu chuẩn của thị xã. Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng của huyện đạt 13-16%/năm, đời sống của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt cả về vật chất lẫn tinh thần. Trở thành thị xã sẽ giúp Long Thành phát triển nhanh hơn”.

Tuy nhiên, đô thị Long Thành còn một số tiêu chí cần hoàn thiện tiếp là nâng cấp hệ thống cấp nước sạch, nâng cao chỉ tiêu cấp nước sạch cho người dân. Chú ý thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt và nâng cao cơ sở hạ tầng, cây xanh cảnh quan và hoàn thiện chất lượng đô thị.

3. Huyện Long Thành tiếp tục được đầu tư, nâng cấp hàng loạt dự án giao thông.

     HĐND tỉnh đã có Nghị quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy hoạch giao thông vận tải đường bộ của Đồng Nai năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhiều tuyến đường sẽ được đầu tư mới hoặc nâng cấp mở rộng, rút ngắn thời gian thi công.

Trong năm 2020 và những năm tới, Đồng Nai sẽ sửa đổi, bổ sung và cập nhật 20 tuyến đường tỉnh (ĐT) và gần 20 tuyến đường giao thông ở các huyện, thành phố. Đây được xem như là một trong những giải pháp tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, địa phương trong những năm tới.

3.1. Nâng cấp, làm mới nhiều tuyến đường tỉnh

Trong năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh sẽ sửa đổi, bổ sung, cập nhật tiến độ đầu tư 20 tuyến ĐT cho phù hợp với quy hoạch đô thị và các dự án đang triển khai trên địa bàn.

Một số tuyến đường được cập nhật, sửa đổi, bổ sung vào quy hoạch giai đoạn tới có thể kể đến như tuyến ĐT.762 đoạn qua thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) sẽ được chỉnh sửa cho phù hợp với quy hoạch giai đoạn tới của địa phương.

Với tuyến ĐT.770 đoạn từ phường Suối Tre sang xã Bình Lộc (TP.Long Khánh), theo quy hoạch trước đây thì sẽ được đầu tư vào giai đoạn 2026-2030 nhưng nay sẽ được rút ngắn thời gian và tiến hành thi công trong giai đoạn 2021-2025 để phục vụ cho việc mở rộng các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Thống Nhất và TP.Long Khánh.

Quy hoạch mới cũng sẽ điều chỉnh quy mô ĐT.769 vì đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối nhiều tuyến giao thông quốc gia với các tuyến đường của địa phương xung quanh khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tuyến đường này sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, nền đường rộng từ 22-38m và đáp ứng 6-8 làn xe lưu thông.

Ngoài ra, ĐT.772 từ huyện Trảng Bom tới huyện Xuân Lộc cũng sẽ được đầu tư mở mới trong 2-4 năm tới với quy mô khoảng 4 làn xe. Bên cạnh đó, sẽ nắn chỉnh một số tuyến đường phù hợp với địa hình khi triển khai dự án là ĐT.774B từ xã Tà Lài đến xã Trà Cổ (huyện Tân Phú); ĐT.776 xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc) đến xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú).

UBND tỉnh cũng tiến hành cập nhật lộ giới, điều chỉnh giai đoạn đầu tư sớm hơn so với quy hoạch trước đây ở những tuyến đường như 25B (huyện Nhơn Trạch), hương lộ 2, ĐT.778 từ xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) sang huyện Long Thành, tuyến đường ĐT.771 đi qua địa bàn TP.Biên Hòa – huyện Long Thành – huyện Nhơn Trạch. Đặc biệt, UBND tỉnh bổ sung 2 tuyến đường mới là đường vành đai TP.Biên Hòa, đường vào Khu công nghiệp Giang Điền…

Ông Từ Nam Thành, Giám đốc Sở Giao thông – vận tải cho biết: “Các tuyến ĐT trên được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch giao thông – vận tải đường bộ để thuận lợi cho công tác đầu tư, thi công các công trình, dự án. Hiện tỉnh chỉ điều chỉnh, bổ sung và rút ngắn thời gian thực hiện để các tuyến đường trên sớm hoàn chỉnh, tạo thông thoáng, rút ngắn thời gian trong việc lưu thông hàng hóa và đi lại cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn”.

3.2. Mở mới nhiều tuyến đường huyện

Trong giai đoạn tới, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh hơn 10 tuyến đường và mở mới 8 tuyến đường huyện nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Các con đường mở mới đều nằm trên địa bàn huyện Long Thành để kết nối với khu vực Cảng hàng không quốc tế Long Thành và 2 khu “đất vàng” đã đấu giá hàng ngàn tỷ đồng để làm khu dân cư biệt thự nhà vườn, nhà liên kế, chung cư cao tầng ở xã Long Đức và xã Tân Hiệp.

Chủ tịch UBND huyện Long Thành Võ Tấn Đức cho hay: “Trong những năm tới, tỉnh và huyện sẽ hoàn thành nhanh các hồ sơ thủ tục, bồi thường, giải phóng mặt bằng để đầu tư nhiều tuyến đường mới trên địa bàn. Các tuyến đường giao thông mới mở ra sẽ giúp cho địa phương mời gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch tốt hơn”.

Biểu đồ thể hiện tổng số km đường giao thông trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ được tỉnh đầu tư mở mới và nâng cấp trong giai đoạn 2020-2030.

Bên cạnh đó, nhiều đường huyện cũng được điều chỉnh giai đoạn đầu tư, chỉnh sửa một số điểm đầu, điểm cuối cho phù hợp. Trong đó, phần lớn rút ngắn thời gian đầu tư từ giai đoạn 2026-2030 xuống giai đoạn 2021-2025. Các tuyến đường được điều chỉnh nằm trên địa bàn nhiều huyện như: Trảng Bom, Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Định Quán, Cẩm Mỹ và TP.Long Khánh.

Theo ông Nguyễn Văn Nghị, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, các địa phương đều mong muốn các tuyến đường đã quy hoạch được xây dựng sớm để giúp cho địa phương “tăng tốc” trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

4. Tạo đột phá cho phát triển kinh tế của huyện Long Thành.

Thời gian qua, các tuyến đường được nâng cấp, mở rộng hoặc đầu tư mới ở khu vực nào trong tỉnh thì nơi đó sẽ phát triển nhanh chóng hơn. Cụ thể là dân cư đến sinh sống đông đúc, kéo theo thương mại, dịch vụ phát triển nhanh và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực cũng dễ dàng hơn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhận xét: “Các tuyến đường mới được mở ra sẽ giúp giao thông thuận lợi, đồng thời kinh tế cũng phát triển theo. Do đó, tỉnh xác định đầu tư nâng cấp, mở mới một số tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra bước đột phát trong phát triển kinh tế cho giai đoạn tới. Vì thế, tỉnh sẽ rà soát ưu tiên mở rộng, làm mới trước những đường giao thông quan trọng, có thể phục vụ cho nhiều người dân, doanh nghiệp lưu thông”.

Đơn cử như đường 25B (huyện Long Thành – Nhơn Trạch) được mở rộng giúp cho khu vực thị trấn Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) phát triển sầm uất hơn hẳn. Đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa ra vào các khu công nghiệp tại huyện Nhơn Trạch.

Thực tế, thời gian qua, Đồng Nai đã về đích trước cả nước trong xây dựng nông thôn mới một phần do tỉnh chọn được những bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống người dân. Một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công trên là do tỉnh đầu tư, huy động sức dân cùng xây dựng nhiều tuyến đường nông thôn. Các tuyến đường được mở rộng, bê tông, thảm nhựa tạo thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển vật tư sản xuất nông nghiệp và vận chuyển nông sản. Giá nông sản người dân bán ra cao hơn. Có đường giao thông tốt, các doanh nghiệp về vùng nông thôn đầu tư vào nông nghiệp, thương mại, dịch vụ nhiều hơn, góp phần vào tăng trưởng cho các địa phương, tăng thu ngân sách nhà nước.

Những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư công của tỉnh, địa phương phần lớn dành để đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật và chủ yếu xây dựng mới, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông.

 

 

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here